Mụn bọc là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
-
By: admin
-
Tháng Tư 22, 2024
Mụn bọc là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Mụn bọc là một trong những loại mụn trứng cá nặng nhất và khó điều trị nhất. Nếu bạn đã từng tự điều trị mụn bọc nhiều năm nhưng không khỏi, cứ tái phát liên tục thì hãy xem ngay bài viết này. ISKIN sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ nguyên nhân gây ra mụn bọc, từ đó có hướng điều trị hiệu quả và ngăn ngừa tái phát, giúp bạn sớm có làn da sáng khỏe như mong đợi.
1. Mụn bọc là gì?
Khái niệm: Mụn bọc (có tên tiếng Anh là Acne conglobata) hay còn gọi là mụn trứng cá cụm, mụn trứng cá mạch lươn: là loại tổn thương mụn viêm ở mức độ nặng. Các nốt mụn này phát triển sâu dưới da, lan rộng và có kích thước lớn (≥0,5 cm) hoặc nốt (≥1 cm). Khi tiến triển, mụn bọc trông giống như nhọt trên da, có dạng một u nang lớn chứa đầy mủ, có thể gây áp xe và nguy cơ hình thành sẹo rất cao.
Vị trí mụn bọc: Thường xuất hiện ở cổ, vai, ngực, cánh tay, mặt, đùi, mông,…
Độ tuổi thường gặp: Khởi phát ở tuổi dậy thì và có thể tiến triển trong vài năm sau đó.
Mụn bọc là một dạng tiến triển nặng nhất của mụn trứng cá, có thể đau khi chạm vào.
2. Tìm hiểu rõ hơn cơ chế hình thành mụn bọc
Mụn bọc được hình thành khi có các yếu tố như: bít tắc lỗ chân lông, tình trạng viêm, vi khuẩn C. acnes và sừng hóa nang lông. Lỗ chân lông khi bít tắc sẽ dẫn đến tích tụ tế bào chết, keratin và bã nhờn. Khi tình trạng tắc nghẽn nhiều hơn sẽ tạo điều kiện cho vi
khuẩn Cutibacterium acnes (gọi tắt là C. acnes) vốn dĩ đã có sẵn trên da phát triển mạnh
mẽ. Khi vi khuẩn này phát triển quá mức sẽ góp phần gây viêm nhiều hơn, ảnh hưởng đến các lớp sâu hơn của da, tạo ra các nốt sần cứng, hình thành mủ. Theo thời gian, mủ đẩy vào các mô lân cận và trồi lên bề mặt da, hình thành sẹo và biến dạng [5].
Mụn bọc là kết quả của quá trình viêm nhiễm trên da, hình thành khi lỗ chân lông bị bít tắc.
3. Dấu hiệu mụn bọc dễ nhận biết
Dấu hiệu mụn bọc rõ ràng nhất:
• Nốt mụn cục sưng đỏ có thể sờ thấy dưới da.
• Khi sờ có cảm giác đau, chai cứng xung quanh.
• Bên trong có thể chứa nhân mụn, dịch màu vàng hoặc trắng, mủ, đôi khi là máu.
• Mụn bọc khá dễ vỡ và để lại nhiều biến chứng thâm sẹo rất lâu.
Ngoài ra, mỗi loại mụn bọc lại còn có đặc điểm khác nhau:
• Mụn bọc có nhân: Đây là những mụn nốt sần, cứng và đau khi sờ vào, không có đầu mở ra trên da. Nhân mụn nằm sâu trong các lớp da, việc cố ý nặn lấy nhân mụn làm nguy cơ phá vỡ các cấu trúc bên dưới, lây lan rộng ra các vùng da xung quanh và làm cho tình trạng mụn nặng hơn.
• Mụn bọc mủ: Các ổ mủ hình thành do sự phát triển và tăng sinh của các vi khuẩn, lúc đầu có thể chỉ thấy nốt sần cứng, sau đó sẽ thấy mềm mọng kèm theo mủ màu trắng hoặc màu xanh, gây đau nhức. Nếu không được xử lý đúng cách, mụn sẽ bị vỡ và lây lan sang vùng bên cạnh.
• Mụn bọc có máu: Khi mụn bọc bị viêm nhiễm nặng, cơ thể có xu hướng hình thành các mạch máu, nhằm tăng cường đưa bạch cầu trong máu đến vùng bị viêm nhiễm – đây là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên do tác động vật lý như nặn mụn, sẽ khiến mạch máu bị vỡ, hoà lẫn vào dịch trong ổ mụn.
• Mụn bọc kém đáp ứng điều trị (mụn bị chai): Nhân mụn, dịch tiết khi không được loại bỏ, quá trình tự hấp thu chữa lành của làn da tự diễn ra, mụn bọc không vỡ, khô cứng, sạm màu đen dần. Đây là hiện tượng được hiểu đơn giản là mụn bị chai, do sự tăng sinh lớp sừng – lớp ngoài cùng của làn da, có thể có hoặc không kèm các tác động sờ, nắn từ bên ngoài. Mụn bị chai gây thô cứng, mất đều màu làn da, gây mất thẩm mỹ.
Các loại mụn bọc thường gặp ở má, cằm, mũi và trán.
4. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ hình thành mụn bọc
Việc khai thác các nguyên nhân gây ra mụn bọc hoặc các yếu tố khởi phát giúp chúng ta kiểm soát và điều trị mụn bọc một cách đầy đủ và hiệu quả hơn.
Sau đây là một số yếu tố hình thành mụn bọc hoặc khiến mụn bọc phát triển hơn:
• Do thay đổi nội tiết tố: Sở dĩ những bạn trẻ ở tuổi dậy thì dễ gặp mụn bọc hơn là do nội tiết tố thay đổi, cụ thể là khi nồng độ hormone androgen tăng lên (đặc biệt ở nam giới) sẽ tăng sản xuất dầu trên da quá mức, kết hợp với các yếu tố như vi khuẩn, sừng hóa nang lông dẫn đến bít tắc lỗ chân lông và gây nên mụn bọc. Ngoài ra, các đối tượng như phụ nữ mang thai, đang trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc đang trải qua thời kỳ mãn kinh cũng gặp tình trạng rối loạn nội tiết tố, do đó cũng có nguy cơ bị mụn bọc và viêm nhiều hơn.
• Không vệ sinh da sạch sẽ sau khi tiết mồ hôi: Những người có cơ địa dễ đổ mồ hôi hoặc sau khi vận động thể thao, làm việc trong môi trường nóng bức dễ khiến cơ thể tăng tiết mồ hôi. Lúc này, nếu vùng da đổ mồ hôi không được vệ sinh sạch sẽ gây bít lỗ chân lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và hình thành mụn bọc.
• Do di truyền: Nếu trong gia đình có người thân từng bị mụn bọc thì bạn cũng có nguy cơ cao gặp tình trạng này.
• Do thuốc điều trị, thực phẩm chức năng: Một số loại thuốc như corticosteroid, thuốc điều trị bệnh tuyến giáp, thực phẩm chức năng dùng trong thể thao có thể là nguyên nhân gây nên mụn bọc hoặc khiến mụn bọc thêm trầm trọng.
• Thói quen chạm tay lên mặt: Nhiều người thường hay sờ hoặc chạm tay lên mặt như một thói quen tự nhiên có thể làm lây lan vi khuẩn trên da, mụn bọc có thể lan sang vùng da khác.
• Dùng sản phẩm chăm sóc da không phù hợp: Các sản phẩm chăm sóc da hoặc mỹ phẩm gốc dầu có thể khiến mụn bọc trở nên tệ hơn.
• Stress/căng thẳng và lo lắng: Lo lắng và căng thẳng gia tăng có thể khiến cơ thể sản xuất nhiều bã nhờn hơn, dẫn đến hình thành mụn.
• Ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh: Các thói quen như ăn đồ ngọt, đồ cay nóng, hoặc uống rượu bia, thức khuya, ngủ không đúng giờ giấc cũng là những yếu tố góp phần khiến cơ thể dễ nổi mụn.
5. Các biến chứng của mụn bọc
Mụn bọc nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể để lại nhiều biến chứng khiến bạn không ngờ tới:
• Thay đổi sắc tố da: Mụn bọc càng để lâu thì vùng da viêm nhiễm càng dễ chuyển thành vết thâm đen (hay còn gọi là tăng sắc tố sau viêm), hoặc đôi khi giảm sắc tố, da không đều màu, ảnh hưởng đến thẩm mỹ làn da.
• Sẹo, biến dạng vùng da bị tổn thương: Tổn thương mụn bọc ở mặt kéo dài có thể làm đứt gãy các tế bào sợi Collagen và Elastin, gây phá hủy cấu trúc da và dẫn
đến hình thành sẹo rỗ.
• Mụn bị chai cứng: Mụn bọc bị sạm đen, chai sần đầu mụn, gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng.
• Mụn tiến triển nặng: Mụn bọc với các áp xe sâu dưới da liên kết với nhau, có thể xảy ra ở nhiều vùng da khác nhau, dẫn đến tình trạng nổi mụn bọc khắp người, việc điều trị càng trở nên khó khăn hơn.
• Nhiễm trùng toàn thân: Các tình trạng áp xe sâu, viêm nhiễm nặng có thể gây tình trạng nhiễm trùng toàn thân, biểu hiện triệu chứng sốt, đau khớp, tiêu chảy,…
• Tác dụng phụ liên quan đến thuốc điều trị: Kích ứng da, biến chứng thai kỳ, nhạy cảm da với ánh sáng mặt trời,…
• Ảnh hưởng tâm lý, trầm cảm: Hầu hết người bị mụn bọc đều cảm thấy xấu hổ và tự ti về vấn đề da của mình, lâu ngày dẫn đến ngại giao tiếp, thậm chí trầm cảm (đặc biệt là ở người trẻ).
Thâm, sẹo khiến làn da mất thẩm mỹ, nhiều người trở nên mất tự tin khi giao tiếp.
6. Với mụn bọc, khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Bạn nên đến gặp bác sĩ trong các trường hợp sau:
• Bất cứ khi nào tình trạng mụn bọc khiến bạn mất tự tin, lo lắng quá mức, ảnh hưởng đến tâm lý và cần cải thiện sớm.
• Mụn xuất hiện bất ngờ không rõ nguyên nhân.
• Mức bọc ở mức độ từ trung bình trở lên.
• Mụn tái phát liên tục.
• Khi đã áp dụng các phương pháp điều trị mụn tại nhà, dùng thuốc không kê đơn trong
vài tuần nhưng không có sự cải thiện rõ rệt.
• Mụn xuất hiện do tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc trị trầm cảm, lo âu,
và các loại thuốc khác.
• Mụn để lại nhiều sẹo mụn trên da, gây mất thẩm mỹ.
Điều trị mụn càng sớm, hiệu quả càng cao và giúp tiết kiệm nhiều thời gian và công sức. Nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu nào trong danh sách trên, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị mụn toàn diện, tránh để lại sẹo rỗ các biến chứng nguy hiểm khác.
7. Mụn bọc được chẩn đoán như thế nào?
Trước tiên, bác sĩ sẽ khám trực tiếp, quan sát và kiểm tra tình trạng mụn trên da của bạn. Sau đó, bác sĩ có thể khai thác thêm các thông tin về tiền sử gia đình, tuổi tác, thói quen sinh hoạt, hoặc có đang dùng loại thuốc nào hay không,… Sau đó, tùy theo tình trạng da, bác sĩ có thể chỉ định soi da và một số xét nghiệm bổ sung để hỗ trợ chẩn đoán và lập phác đồ điều trị chính xác.
8. Các phương pháp điều trị mụn bọc
Các cách điều trị mụn bọc phổ biến hiện nay bao gồm: dùng thuốc, sử dụng công nghệ thẩm mỹ cao, áp dụng các phương pháp vật lý và kết hợp với các biện pháp chăm sóc da tại nhà. Cụ thể như sau:
8.1. Điều trị mụn bọc bằng thuốc
Sau đây là một số liệu pháp chữa mụn bọc bằng thuốc mà bác sĩ có thể kê đơn cho bạn:
8.1.1. Điều trị mụn bọc bằng thuốc bôi
Khuyến cáo:
• Benzoyl peroxide đơn độc hoặc kết hợp với kháng sinh tại chỗ cho mụn trứng cá nhẹ.
• Benzoyl peroxide kết hợp với retinoids tại chỗ hoặc điều trị kháng sinh toàn thân cho
mụn trứng cá vừa đến nặng.
• Retinoids đơn trị liệu trong mụn trứng cá chủ yếu mụn không viêm hoặc kết hợp với
kháng sinh tại chỗ hoặc đường uống trong mụn trứng cá hỗn hợp/chủ yếu viêm.
• Gel dapsone 5% tại chỗ điều trị mụn viêm, đặc biệt ở phụ nữ trưởng thành.
• Axit azelaic điều trị rối loạn sắc tố sau viêm.
Lưu ý: Cần có sự tư vấn kỹ càng từ Bác sĩ da liễu để tránh các tác dụng phụ không đáng có.
Thuốc bôi trị mụn trứng cá bọc thường được dùng phổ biến.
8.1.2. Điều trị mụn bọc bằng thuốc Kháng sinh toàn thân (thuốc kháng sinh uống)
Thuốc kháng sinh toàn thân được khuyến cáo sử dụng cho mụn trứng cá viêm vừa đến nặng, kháng lại các liệu pháp điều trị tại chỗ.
Kháng sinh nên được sử dụng kết hợp với retinoid tại chỗ và benzoyl peroxide. Khuyến cáo
• Thuốc uống tetracycline, doxycycline, minocycline, erythromycin, azithromycin, trimethoprim / sulfamethoxazole (TMP / SMX), trimethoprim và cephalexin.
Lưu ý: Không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định từ bác sĩ. >> Xem thêm: Các loại thuốc uống trị mụn phổ biến theo chỉ định
8.1.3. Thuốc Isotretinoin
Isotretinoin được khuyến cáo để điều trị mụn trứng cá nặng dạng nốt.
Các lưu ý khác:
• KHÔNG khuyến cáo dùng isotretinoin ngắt quãng.
• Mọi phụ nữ có khả năng sinh con dùng isotretinoin nên được tư vấn cẩn thận về các biện pháp tránh thai khác nhau hiện có, bao gồm cả các biện pháp tránh thai có tác dụng kéo dài.
• Người có các dấu hiệu của bệnh viêm ruột, các triệu chứng trầm cảm cần được theo dõi và hướng dẫn đầy đủ về những nguy cơ tiềm ẩn với isotretinoin.
8.1.4. Thuốc điều trị nội tiết (thuốc tránh thai, Spironolactone, corticosteroid)
Thuốc tránh thai đường uống có thể cải thiện tình trạng mụn trứng cá ở phụ nữ. Chúng có
thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị mụn trứng cá khác.
• Khuyến cáo: Thuốc tránh thai kết hợp có chứa estrogen điều trị mụn viêm ở phụ nữ.
Spironolactone có thể hiệu quả trong việc điều trị mụn trứng cá ở một số phụ nữ chọn lọc, mặc dù bằng chứng về hiệu quả của nó còn hạn chế.
Tiêm corticosteroid trong thương tổn có hiệu quả trong việc điều trị mụn trứng cá dạng nốt lớn. Liệu pháp corticosteroid đường uống có thể hiệu quả tạm thời ở những bệnh nhân bị mụn viêm nặng trong giai đoạn bắt đầu điều trị mụn trứng cá theo tiêu chuẩn. Do tác dụng phụ lâu dài nên corticosteroid bị cấm sử dụng như một liệu pháp chính cho mụn trứng cá.
8.2. Điều trị mụn bọc bằng công nghệ cao
Laser KTP: Đây là giải pháp dùng tia laser với bước sóng 535nm để hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn P. Acnes và tác động vào mạch máu thông qua đích tác động là hemoglobin gây tái phân bố mạch máu nuôi tuyến bã, cải thiện mụn bọc rõ rệt.
Laser CO2 Fractional: Sử dụng thiết bị chiếu tia Laser CO2 có bước sóng 10.600 nm lên da, giúp đốt cháy các tế bào mô da bị hư tổn, kích thích quá trình tự làm lành vết thương của cơ thể và đẩy nhanh quá trình sản sinh tế bào mới, thay thế lớp tế bào hư tổn cũ, khắc phục vấn đề da mụn hiệu quả.
Liệu pháp quang động (PDT): PDT (Photo Dynamic Therapy) là công nghệ quang động trị liệu, kết hợp hoạt chất Methyl – ALA để điều trị mụn hữu hiệu.
Laser IPL: Ứng dụng ánh sáng xung cường độ cao với nhiều bước sóng khác nhau để hỗ trợ điều trị mụn, cải thiện các vấn đề liên quan sắc tố da, làm trẻ hóa da.
Công nghệ IPL trị mụn bọc hiệu quả – an toàn, không cần thời gian nghỉ dưỡng.
8.3. Điều trị mụn bọc bằng phương pháp vật lý
Lấy mụn bọc chuẩn Y khoa: Sử dụng dụng cụ y tế chuyên dụng tác động vào bề mặt da để đẩy nhân mụn ra ngoài sẽ giúp việc điều trị mụn nhanh hơn, tránh mụn lây lan ra nhiều vùng da khác. Phương pháp này chỉ áp dụng sau khi nốt mụn bọc đã tiêu viêm, gom cồi. Không khuyến cáo các tác động vật lý lên các nốt mụn đang viêm. Đồng thời để đảm bảo an toàn, bạn không nên tự lấy mụn tại nhà, mà hãy đến gặp bác sĩ để lấy nhân mụn chuẩn Y khoa.
Đắp mặt nạ: Đối với làn da có mụn bọc, bạn có thể sử dụng các loại mặt nạ có chiết xuất trà xanh, than hoạt tính,… để giảm viêm, kiểm soát dầu nhờn và hỗ trợ điều trị mụn.
Peel da: Phương pháp này sử dụng các chất hóa học để kích thích tế bào chết nhanh bong tróc, loại bỏ bụi bẩn, bã nhờn và giúp thông thoáng lỗ chân lông, nhờ vậy sẽ cải thiện mụn đáng kể, tái tạo làn da mới sáng khỏe hơn.
Lăn kim trị mụn: Với thiết bị lăn kim có đường kính siêu nhỏ (chỉ từ 0.5mm – 2.5mm), bác sĩ sẽ tạo ra các vi vết thương trên bề mặt da – chúng có vai trò như “cầu nối” để đưa serum trị mụn thâm nhập sâu bên dưới da, kích thích tăng sinh Collagen và Elastin, mang đến tác dụng trị mụn hiệu quả. Thông thường, phương pháp này chỉ áp dụng khi triệu chứng viêm của mụn đã được xử lý hoàn toàn. Ngược lại, nếu áp dụng với các nốt mụn bọc đang viêm có thể làm tăng khả năng lây lan của vi khuẩn và làm nặng thêm tình trạng hiện tại.
>> Xem thêm: Ưu, nhược điểm của phương pháp lăn kim trị mụn 8.4. Các liệu pháp kết hợp, bổ sung/thay thế
Sử dụng dược mỹ phẩm chăm sóc da: Bạn có thể chủ động chăm sóc da tại nhà bằng các sản phẩm như sữa rửa mặt, tẩy trang hoặc sản phẩm kiềm dầu, kháng khuẩn để hỗ trợ điều trị mụn, tăng cường đề kháng cho da (đặc biệt là những khách hàng có nền da yếu, da nhiễm Corticoid do sử dụng kem pha, kem trộn không rõ nguồn gốc).
Các liệu pháp thảo dược, vitamin bổ sung và thay thế: Bổ sung những dưỡng chất sau đây có thể hỗ trợ điều trị mụn bọc hiệu quả.
• Acid béo thiết yếu: Đặc biệt là Omega 3 có trong dầu hạt cải canola, dầu đậu nành, hạt lanh hay quả óc chó…
• Thức ăn giàu kẽm: Có trong lúa mì, rau bina (cải bó xôi), bí ngô, hạt bí, hạt điều, đậu, nấm…
• Thức ăn giàu vitamin A: Có trong khoai lang, cà rốt, rau lá xanh đậm, mơ khô, dưa đỏ, ớt chuông…
• Các chất chống oxy hóa: Polyphenols (EGCG, curcumin, reservatrol) giàu các chất glutathione, silymarin, vitamin C, trà xanh, vitamin E, bilirubin, carotenoid, flavonoid, pycnogenol, melatonin, genistein, alpha lipoic acid, Co Q10, DHEA, idebenone, lycopene, polypodium leucotomos…
• Probiotic: Có trong sữa chua và nhiều loại thực phẩm lên men có thể hỗ trợ hệ tiêu hóa, ngăn ngừa tình trạng tiêu chảy khi dùng kháng sinh.
• Dầu cá: Tuy không cải thiện độ nặng của mụn nhưng dầu cá có thể giảm khô da do dùng thuốc isotretinoin.
• Cân bằng dưỡng chất: Hãy cân bằng đầy đủ – cân đối – đa dạng các yếu tố đa lượng, vi lượng, chất chống oxy hóa…
Lưu ý, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ Da liễu, không nên tự ý bổ sung bởi vì có thể tiềm ẩn nguy cơ gây quá liều, dẫn đến tác dụng phụ không đáng có.
Chế độ ăn uống: Trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, bạn nên lựa chọn các loại thực phẩm bổ sung chất chống oxy hóa, men vi sinh, chất béo lành mạnh và thực phẩm chống viêm như cà chua, bông cải xanh, trà xanh, việt quất, dâu tây,… hỗ trợ cân bằng hormone, chức năng miễn dịch và làn da khỏe mạnh tổng thể. Đồng thời, bạn nên hạn chế ăn đồ ngọt, tránh uống rượu bia để không gây hại cho làn da.
Sinh hoạt lành mạnh, kiểm soát căng thẳng: Muốn hết mụn bọc, bạn nên cố gắng tìm cách giảm bớt căng thẳng không cần thiết trong cuộc sống, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá.
Lời khuyên: Đối với những ai đang đau đầu vì mụn bọc, tốt nhất nên tìm đến bác sĩ giỏi để chỉ định phương pháp phù hợp, phác đồ điều trị chuẩn Y khoa, hướng đến HIỆU QUẢ TỐI ĐA – CHI PHÍ TỐI THIỂU. Đừng nên áp dụng những phương pháp chữa trị mụn bọc từ dân gian truyền miệng, chưa có kiểm chứng khoa học, hoặc cẩn trọng trước những lời quảng cáo có cánh, kẻo “tiền mất tật mang”.
Bài viết liên quan
Trí tuệ thông minh nhân tạo ứng dụng trong da liễu thế nào ?
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã được áp dụng trong chẩn đoán da theo nhiều cách khác
Các thuốc bôi điều trị mụn trứng cá
Tóm tắt các loại thuốc bôi ngoài để điều trị mụn trứng cá Benzoyl peroxide Có
Điều trị mụn trứng cá bằng laser
Điều trị mụn trứng cá bằng laser Trị mụn bằng laser là gì? Trị mụn bằng laser
Case mụn trứng cá
Một cậu bé 12 tuổi không có tiền sử bệnh lý đáng kể nào đến phòng khám của
Leave a comment